Trên thực tế, khó có mảnh đất nào hoàn toàn tốt, sẽ luôn có điểm tốt - xấu, cát - hung, điều quan trọng là nhìn ra điểm xấu của miếng đất để khắc phục. Trong bài viết dưới đây, ATM Homes sẽ cung cấp những thông tin giúp nhận biết mảnh đất có phong thủy xấu và cách hóa giải.
1. Thế nào là mảnh đất xấu về phong thủy?
Đất xấu về phong thủy còn được gọi là đất dữ, là nơi không thích hợp để con người sinh sống, không tốt cho sự sống, nơi không có vượng khí và dễ gây cảm giác bất an, mang đến những rủi ro cho người cư trú.
Cách nhận biết đất xấu về phong thủy
Để biết mảnh đất định mua có xấu về phong thủy hay không, xem đất lành hay dữ cần nắm rõ được tính chất, lai lịch của mảnh đất cũng như cảm nhận trực quan khi đến xem. Muốn vậy người mua cần dành thời gian tìm hiểu, thu thập thông tin, điều tra lịch sử của mảnh đất thông qua hàng xóm, người dân trong vùng, thậm chí cả chính quyền địa phương.
Tuy vậy, việc thu thập thông tin nhiều khi gặp khó khăn do người xung quanh không nắm được thông tin hoặc không muốn tiết lộ, đòi hỏi phải kiên trì.
Tìm hiểu rõ lai lịch của mảnh đất giúp người mua biết được mảnh đất có phong thủy xấu hay không. Ảnh minh họa
Ngoài các thông tin thu thập được, hãy đến xem mảnh đất nhiều lần, quan sát cây cỏ, những tác động của thời tiết, khí hậu. Ví dụ mưa nhiều có ngập lụt không, có cây nào bị sét đánh không, cây cối có tươi tốt không, địa thế mảnh đất có gì xấu... cũng góp phần đánh giá về phong thủy của mảnh đất. Đặc biệt cảm nhận lần đầu đến mảnh đất cũng giúp đánh giá được phần nào, ví dụ những mảnh đất ở nơi thiếu sáng, nơi có nhiều âm khí thường tạo cảm giác ớn lạnh, rùng mình... Ngược lại mảnh đất vượng khí mang lại cảm giác phấn chấn, dễ chịu khi ghé thăm.
Những mảnh đất xấu sẽ mang đến điều gì?
Người xưa thường gọi những mảnh đất có phong thủy xấu là "đất dữ", người sinh sống trên mảnh đất đó có thể gặp phải tai nạn bất thường hay một vài sự cố lặp lại thường xuyên, khó giải thích. Xây nhà, sinh sống trên mảnh đất dữ thường tạo cảm giác bất an cho người cư ngụ, các thành viên dễ bị kích động, nóng giận, tinh thần luôn hoảng loạn. Đất dữ cũng có tác động đến sức khỏe của người cư ngụ, với các triệu chứng như mất ngủ, hay bồn chồn, lo âu, thường xuyên gặp ác mộng...
Các thế đất xấu cần tránh
Mỗi mảnh đất đều có yếu tố xấu và tốt, nhưng nếu yếu tố xấu ít và nhẹ vẫn có thể lựa chọn và cải tạo. Ngược lại nên tránh những thế đất phạm kỵ như: nơi xảy ra chiến tranh, chết chóc tang thương; nơi thờ tự, thờ cúng; nơi từng bị sụt lún, sập công trình; nơi có người tự tử, âm khí nặng; nơi từng có hỏa hoạn nghiêm trọng; nơi từng là nghĩa địa, chôn cất người chết; nơi từng là bãi rác, chôn phế thải; nơi từng là ao, hồ, giếng sâu...
Dấu hiệu đất vượng khí
Đất vượng khí cũng chính là mảnh đất tốt về mặt phong thủy. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, nếu mảnh đất không có bất kỳ sự cố cấm kỵ nào về phong thủy trong vòng 100 năm thì đó chính là một mảnh đất tốt. Khi sinh sống, làm nhà cửa trên mảnh đất này sẽ giúp gia trạch được cát tường, gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên trên thực tế những mảnh đất như vậy không nhiều, hầu hết đều phạm vào điều xấu dù ít hay nhiều, nên gia chủ trước khi chọn đất để xây nhà nên tìm hiểu kỹ và tìm cách khắc phục.
Không có mảnh đất nào tốt tuyệt đối về mặt phong thủy. Ảnh minh họa
2. Một số kiểu đất có phong thủy xấu và cách hóa giải
Mảnh đất từng là nơi xảy ra chiến tranh
Mảnh đất từng là chiến địa, nơi nổ ra các trận chiến gây thương vong là đất tàng mang tính hung. Cho dù trận chiến đã xảy ra từ lâu thì vẫn còn âm khí nặng, theo khoa học nơi có nhiều người chết sẽ phát ra sóng gen sinh học, tương tác đa chiều, tác động tiêu cực đến người sinh sống trên mảnh đất này như bồn chồn, bất an, lo lắng, hay gặp ác mộng...
Khi đi tìm mua nhà, đất nếu phát hiện mảnh đất trước đây là chiến địa tốt nhất không nên xây nhà ở. Nếu mua nhà rồi mới phát hiện ra thì cần dùng các phương pháp trấn trạch, hóa giải bằng các vật phẩm như: sử dụng hai con lân sư đực và cái đặt trước Huyền quan (với ngôi nhà không có cửa lớn) hoặc đặt ở trước cửa chính. Lưu ý đặt lân sư cái bên trái, lân sư đực bên phải, đầu lân sư hướng ra ngoài. Trong phong thủy lân sư là linh vật tượng trưng cho sự uy quyền, giúp trấn trạch nhà cửa, trừ tà và hóa giải các sát khí như tam sát, xuyên tâm sát, bạch hổ sát và nhà phạm thái tuế.
Với những người tin vào tâm linh có thể làm thêm lễ cầu siêu hoặc lập một ban thờ nhỏ trên trần nhà, ngày rằm, mùng 1 hương khói cầu gia đạo bình an.
Mảnh đất trước kia là nơi thờ tự, cúng thần
Trong thực tế có khá nhiều mảnh đất được chuyển đổi hình thức sử dụng từ đất thờ tự, cúng thần sau khi phá dỡ các di tích, chẳng hạn mảnh đất từng là nhà thờ, đền thờ tử sĩ, nghĩa trang, miếu mạo, nhà thờ của dòng họ, thờ thần Sông, Núi, Thổ địa, đất từng là lăng tẩm của vương tộc, công hầu... đã phá bỏ thành bãi đất trống hoặc đã có nhiều nhà cửa. Tất cả các trường hợp này đều là đất dữ, không thích hợp để xây dựng nhà ở. Để tránh lãng phí có thể xây dựng các nhà máy, công xưởng, làm vườn... trên đất này.
Trường hợp đã sinh sống trên khu đất, gia chủ nên làm thêm các nhà kho, nhà chứa đồ, chứa các nông phẩm phụ như: củi, rơm rạ, thuốc nông – lâm nghiệp như: phân bón, diệt cỏ, thuốc thú y chăn nuôi… để giảm bớt sát khí của khu đất.
Trồng nhiều cây xanh trên đất là giải pháp đơn giản, hiệu quả giúp giảm sát khí của mảnh đất. Ảnh minh họa
Nhìn chung đất thuộc những trường hợp trên đều không nên xây nhà để ở, nếu đã mua và làm nhà nên chuyển phương thức sử dụng. Trường hợp buộc phải sử dụng, nhất là với đất linh từng thờ thánh, thần nên nhờ các pháp sư phong thủy có chuyên môn tư vấn, sử dụng các vật phẩm phong thủy giải trừ, làm lễ xin phép được sử dụng mảnh đất…
Mảnh đất trước đây đã có người tự vẫn, chết oan
Mảnh đất này được cho là có nhiều loại sát khí, âm khí, tà khí, oán khí... có thể sẽ gây ra những lo lắng, bất an cho người sinh sống trên mảnh đất. Đất này cũng nên chuyển đổi sang làm nhà máy, công xưởng... Trường hợp xây dựng nhà ở, gia chủ có thể cần làm “phép phong thủy tâm linh” như các thức cầu siêu, trục hồn, hoặc lập bàn thờ hương khói cầu an.
Mảnh đất trước đây là nghĩa địa, nơi chôn cất người chết
Quá trình đô thị hóa, nông thôn mới... sẽ có rất nhiều nghĩa trang, nghĩa địa được quy hoạch lại để chuyển đổi thành các chung cư, khu dân cư mới, làng xóm. Đây cũng là một trong những thế đất hung, xấu vì dù đã di chuyển mồ mả nhưng sau nhiều năm trường khí tại đây trở nên hỗn tạp. Theo phong thủy, nếu thời gian di dời chưa đủ 100 năm thì đất vẫn chưa được "hoàn nguyên" như cũ, vẫn có những hiệu ứng phong thủy xấu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trạng của người cư ngụ như bất an, mất ngủ, rối loạn cảm xúc...
Với những mảnh đất này, khi làm nhà gia chủ nên chọn đúng hướng khí theo mệnh trạch của chủ nhà. Trồng thật nhiều cây xanh trên đất cũng giúp giảm bớt các tính hỗn tạp của thổ nhưỡng, làm cho đất dần thuần chất hơn, triệt tiêu những địa sóng xấu. Gia chủ cũng có thể sử dụng một số vật phẩm phong thủy như gương bát quái lồi, hồ lô gỗ đào hóa sát, kiếm tiền xu, Long Quy, Tỳ Hưu… để trấn trạch.
Mảnh đất trước kia đã xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng
Những mảnh đất dùng để đốt phế, rác thải thường xuyên, kéo dài; đất rừng bị cháy nhiều lần; đất từng có công trình bị thiêu rụi... sau đó cải tạo, chuyển mục đích thành đất ở đều là những thế đất hung hiểm. Ngay cả những mảnh đất bị đốt rừng làm rẫy, có những chỗ không bị nung đốt thường xuyên thì thổ nhưỡng tại đây cũng vẫn kém, không còn thuộc tính tự nhiên, làm giảm sự sinh sôi, phát triển. Theo phong thủy, những thế đất này khó có thể dưỡng Mộc, giữ Thủy, không tốt cho sự sống…
Mảnh đất từng xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng phải mất nhiều năm cải tạo, tu bổ. Ảnh minh họa
Trường hợp đã mua phải mảnh đất như vậy, gia chủ nên múc, đào bỏ hết lớp đất đã bị thiêu trở nên khô, rắn ở bên trên, bù lớp đất mới lên rồi mới xây dựng nhà cửa. Để giảm tính hỏa của đất bị nung, nên trồng thêm các cây lớn. Những khoảng đất bị hư hại nên dùng xây nhà kho hoặc chuồng trại.
Mảnh đất trước đây là bãi rác, kho chứa phế thải
Dù đã được san lấp thành đất trồng cây, đất ở nhưng những mảnh đất trước kia là nơi chứa rác, phế thải trong một thời gian dài vẫn là thế đất hung hại. Các loại chất thải theo thời gian đã ngấm sâu vào lòng đất khiến trường khí hỗn loạn, chứa nhiều tạp khí, uế khí không tốt cho sức khỏe và tinh thần của con người.
Theo khoa học, khi thời tiết thay đổi, độ tẩm tăng cao, nhiệt độ của lớp địa chất cũng thay đổi theo và khiến các chất phế thải càng bị biến đổi mạnh, phát tán ra nhiều lượng khí sinh học. Đây cũng chính là khí sát trong phong thủy.
Nếu biết rõ lai lịch của mảnh đất thì không nên mua, nếu đang sở hữu mảnh đất này không nên xây dựng nhà cửa và chuồng trại nuôi gia súc mà nên xây các kho chứa nông cụ, đồ dùng sản xuất (tránh trữ lương thực, thực phẩm).
Để giảm bớt sát khí của mảnh đất từng là bãi phế thải, gia chủ không nên lấp đất cát lên trên mà nên dọn tầng đất mặt, trồng thêm nhiều cây cối. Với loại đất này nên trồng các cây lấy gỗ phủ kín thành vườn, đồi để hóa giải các sát khí trong đất.
Mảnh đất lập trên ao, hồ, sông, giếng
Dù được phủ lấp, tôn nền lên cao nhưng trong phong thủy thì đất lập từ ao, hồ, sông, đầm, giếng… cũng vẫn là đất xấu vì nằm trên mạch thủy ngầm, hay còn gọi là “long ẩn”. Thế đất này phong thủy xếp vào loại không liền thổ. Khi xây nhà ở, mạch thủy ngầm vẫn chuyển động phía dưới nền nhà, gây rối loạn trường khí. Ngoài ra, đất lấp bên trên và đất phía dưới vốn là bùn lầy của ao hồ không liền mạch, không có sự liên kết chặt chẽ lại có mạch nước ở giữa nên có thể gây sụt lún cũng như sinh ra các địa sóng tác động tiêu cực tới sức khỏe. Nền đất yếu nếu không được gia cố móng chắc chắn còn có thể gây nguy hiểm cho công trình trên đất.
Nhìn chung gia chủ không nên làm nhà trên nền ao, hồ, giếng... đặc biệt khi vừa mới san lấp không được xây dựng ngay. Trường hợp cần phải xây nhà ở nên đắp nền cao hơn so với xung quanh, trồng cây một thời gian rồi mới xây dựng. Cần kiểm tra địa chất, gia cố nền móng thật vững chắc trước khi xây.
Nguồn: batdongsan.com.vn